Yên Bái: Tăng cường xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử

Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, đặc biệt trên các mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Zalo...) đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Tổng Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Trên cơ sở các thông tin được cung cấp, từ ngày 15/10/2024 đến 15/11/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiến hành thẩm tra, xác minh 10 đối tượng/10 tên miền có dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh. Trong đó 03 đối tượng/03 tên miền đã dừng hoạt động, nghỉ kinh doanh; 02 đối tượng/02 tên miền hoạt động ở địa bàn khác (không phải tỉnh Yên Bái); đã tiến hành kiểm tra 05 vụ/ 05 đối tượng/5 tên miền, số vụ vi phạm và xử lý 05 vụ với 7 hành vi (04 hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 01 hành vi hành vi kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet và 2 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu), tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 54.500.000 đồng, số tiền thu lợi bất hợp pháp 2.834.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy 42.750.000 đồng. Buộc tiêu hủy hàng hóa gồm 110 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu CHANEL, LOUIS VUITTON (LV), DIOR, HERMÈS(H), Adidas, Nike; 306 sản phẩm mỹ phẩm và 318 sản phẩm thực phẩm nhập lậu.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái xác định chống hàng giả và gian lận thương mại trên thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng, đồng thời tăng cường chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc theo dõi sát sao, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra, đấu tranh tới cùng với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định./.