Một số điểm mới của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt

* Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:
- Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
- Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
* Nghị định số 31/2023 có một số điểm mới so với các văn bản thay thế như sau:
- Đây là Nghị định được gộp lại từ 02 Nghị định, đó là Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 (viết tắt là Nghị định số 31/2016) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Nghị định số 55/2018/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định số 55/2018) ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
- Nghị định số 31/2023 đã bổ sung, thay đổi với nhiều điểm mới quy định về hành vi vi phạm so với Nghị định số 31/2016 và Nghị định số 55/2018 trước đây không quy định như: Điều 6 Quy định về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện; Điều 7 Xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm nhiều lần; Điều 8 Vi phạm quy định về khảo nghiệm giống cây trồng; Điều 9 Vi phạm quy định về lưu mẫu giống cây trồng; Điều 12 Vi phạm về kiểm định ruộng giống; Điều 13 vi phạm quy định về lấy mẫu vật liệu nhân giống; Điều 19 vi phạm về thu gom phụ phẩm cây trồng; Điều 20 vi phạm về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước; Điều 20 Vi phạm quy định về sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón; Điều 27 Vi phạm quy định về sử dụng phân bón; Điều 37. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động có thời hạn; Điều 38. Thi hành các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
- Bên cạnh đó đối với các hành vi hành chính còn lại trong Nghị định số 31/2023 đều có những thay đổi về hình thức, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, so với Nghị định số 31/2016 và Nghị định số 55/2018 trước đây đã quy định.
- Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 28 Nghị định số 31/2023.)
+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt: Thanh tra chuyên ngành trồng trọt; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Hải quan; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển.
+ Công chức, viên chức trong các cơ quan Thanh tra chuyên ngành về trồng trọt, Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Hải quan được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về Trồng trọt;
+ Người thuộc lực lượng Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về Trồng trọt.
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định gồm các Điều (từ Điều 29 đến Điều 35 của Nghị định số 31/2023)
+ Đã tăng thẩm quyền tịch thu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh của người có thẩm quyền: Thanh tra chuyên ngành trồng trọt, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng;
+ Đối với thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường (Điều 32 Nghị định số 31/2023) quy định cụ thể như sau:
“1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, đ, k, l và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, k, l, m và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
4. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt (trừ phân bón); phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với phân bón;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, k, l, m và p khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.” Như vậy theo quy định trên đối với các chức danh như Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, không quy định quyền Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Nghị định số 31/2023 đã phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển (Điều 36).
+ Theo đó tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 31/2023 đã quy định Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón quy định tại các Điều 10 vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng, Điều 11 vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, Điều 15 vi phạm quy định về nhập khẩu giống cây trồng, Điều 21 vi phạm quy định về sản xuất phân bón, Điều 22 vi phạm quy định về buôn bán phân bón (trừ hoạt động nhập khẩu phân bón) và Điều 23 vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón của Nghị định này. Theo phân định trên thì Quản lý thị trường đã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón mà trước đây thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất phân bón của Quản lý thị trường không quy định.
Trong quá trình áp dụng Nghị định 31/2023 để xử phạt vi phạm hành chính những người có thẩm quyền nên xem xét cẩn trọng, cân nhắc áp dụng xử phạt đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật./.