Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ và không thể tách rời trong đời sống xã hội hiện nay, qua đó đưa thương mại điện tử dần thay thế một số hoạt động thương mại truyền thống, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Việc sử dụng thương mại điện tử của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội mà các đối tượng vi phạm lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng... đang diễn ra và khó kiểm soát với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Ngay từ đầu năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra, xử lý các website có dấu hiệu vi phạm phát luật; kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử... Đội đã tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các website bán hàng của các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử, website, các hình thức mua bán qua trang mạng xã hội (facebook, zalo, Tiktok,…), thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết quả, trong năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã thực hiện kiểm tra 08 vụ, xử lý 07 vụ với 08 hành vi vi phạm, phạt hành chính, thu lợi bất hợp pháp và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm gần 137 triệu đồng (trong đó, tổng số tiền phạt hành chính và thu lợi bất hợp pháp trên 98 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa gần 39 triệu đồng); các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu (mỹ phẩm, thực phẩm), không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; Tang vật vi phạm hành chính buộc tiêu hủy 84 sản phẩm, gồm: 42 chiếc túi xách; 33 đôi giầy, dép; 06 chiếc ví; 03 sản phẩm quần áo, váy giả mạo của các nhãn hiệu LOUIS VUITTON, CHANEL, GUCCI, HERMÈS, adidas; 306 sản phẩm mỹ phẩm (thuốc nhuộm tóc...); 318 sản phẩm thực phẩm (hạt ngũ cốc, thịt hộp, xúc xích, tăm cay, gà cay, táo đỏ...)
(Một số hình ảnh tiêu hủy hàng hóa)
Trong quá trình kiểm tra, Đội đã kết hợp thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động thương mại điện tử; không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng. Bên cạnh đó, Đội đã chủ động phối hợp chia sẻ, trao đổi tình hình, phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để thực hiện kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Qua công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh dựa trên ứng dụng thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok...) trên địa bàn, cho thấy các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đa số sử dụng các hình ảnh hàng hóa lấy trên mạng xã hội, hoặc các hình ảnh giống hàng hóa chính hãng để giới thiệu khi khách hàng hỏi, đặt mua mới lấy về nên không có hàng hóa tại cửa hàng, đa phần không lấy hàng hóa của cửa hàng để đăng bài trên các trang mạng xã hội, nên phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thị trường để sớm phát hiện, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, công chức trong Đội chủ động nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử để nâng cao kỹ năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý thị trường trong tình hình mới./.